Poet | Storie | Tác phẩm dịch | Picture | Chuyện vui

Sunday, July 24, 2011

MẤT MÙA

Con gái mình đi thi chuyển cấp (năm ấy đã bỏ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở), cả lớp đạt loại giỏi trăm phần trăm. Hỏi ra mới biết cô giám thị đọc cho cả lớp chép theo đáp án. Trước ngày có Ban giám hiệu lên lớp dự giờ đánh giá giáo viên, tụi trẻ phải ở lại trường cả buổi chiều để tập rượt. Câu hỏi của cô giáo được bố trí cho từng bạn như phân vai trong một vở kịch. Khi cô hòi, tất cả học sinh phải đồng loạt giơ tay, kể cả biết hay không biết. Giờ đạo đức cô vẫn dạy trò phải trung thực.
Con trai mình học cấp hai ở một trường có tiếng trong thành phố. Học sinh trung bình đốt đuốc tìm không ra. Học sinh tiên tiến lác đác như “sao buổi sớm”. 90% cả lớp đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Như thể chúng ta chỉ sinh được “thần đồng”. Nhớ hồi mình học năm thứ hai đại học. Lúc đón sinh viên mới nhập trường, một cậu thanh niên gọi mình với đầy đủ cả tên lẫn họ. Cậu ấy ríu rít khoe học cùng trường cấp 3, sau mình một khóa. Chào cờ đầu tuần thường nghe thầy hiệu trưởng nhắc tên mình. Cả khối lúc bấy giờ may ra có một, hai học sinh giỏi. Con trai nghe xong cười, bảo, cô chủ nhiệm lớp là vận động viên vô địch môn Marathon. “Chạy” suốt lượt tất cả các thầy cô dạy bộ môn để xin điểm cho lớp. Tưởng đấy chỉ là chuyện của những năm cuối cùng của thế kỷ trước. Cách đây hai năm, mình đưa con gái về Việt Nam chơi. Đứa cháu con ông anh (trước kia hai đứa cùng học với nhau) kể rằng, cô giáo nó nhắc to trước lớp: “Cái Ng sao không mang quà đến cảm ơn cô?” Hóa ra cô giáo đã thay mặt cha mẹ nó đi xin điểm hộ. Thi Olymic đi “cà kheo” chắc chắn học sinh nước mình đoạt giải cao nhất.
Năm mười chín tuổi, lần đầu tiên mình được đi coi thi đại học. Sau giờ thi, “phao” rải trắng sân trường. Đứng trên tầng hai, “phao” ruột mèo thả dài chạm đất. Đám sinh viên “ngựa non” lập biên bản thu cả thúng phao, sách giáo khoa và tài liệu chép tay. Chuyến tàu đêm Yên Bái – Hà Nội, thí sinh đứng dọc hai bên đường tàu ném đá.
(Bạn Hoàng Ánh thấy mình suốt ngày đeo balô chen tàu điện ngầm, lo lắng, sợ mình  bị rạch túi. Ít ra ở bên này kẻ gian còn biết ngại người ngay).
Con gái mình về chơi hồi đầu năm. Một người bạn mình nhờ hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ cho con đi du học. “Học phí không quan trọng, miễn là trường tốt. Bài luận văn có thể “thuê” người viết, không lo.” Con gái gọi điện từ Việt Nam sang giọng đầy nước mắt: “Con không ngờ bạn mẹ… Bác ấy cũng là giáo viên, hu hu…”
Mình quen một anh giáo sư giảng dạy ở một trường Đại học Cộng đồng. Anh khoe món quà vừa được khóa sinh viên mới ra trường gửi tặng. Quả táo thủy tinh tượng trưng cho thành phố New York với dòng chữ: “Tặng thầy với tất cả lòng biết ơn và sự kính trọng”. Rồi anh hạ giọng như người mắc lỗi vừa bị phát hiện: “Có một lớp gửi tặng tôi cả chiếc áo sơ-mi”. Mình hỏi: “What’s wrong with that?” (Tôi có thấy điều gì sai trái đâu?). Anh bảo: “Lẽ ra họ không nên làm thế và lẽ ra tôi cũng không nên nhận. Một chiếc áo sơ mi cơ mà! Món quà quá lớn.”
Mình không dám kể hồi đi học tại chức, cô giáo ở Hà Nội về dặn trước cả lớp: “Hải phòng nhớ đừng tặng tôi nước mắm. Tôi đã ngượng chín người vì mấy tạ gạo của Thái Bình.  Hà Nội thứ gì cũng có (chỉ sợ không có tiền)”. Lớp trưởng tiễn cô giáo ra bến xe, quà nhẹ tênh thả vào túi xách.
Mới đây nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, trong một bài viết có nhắc đến khái niệm “mất mùa người”. Anh bạn vong niên của mình bảo, trồng hồi nào mà mất?

1 comment:

  1. Tem cho nhà mới. Chúc mọi sự như ý với căn nhà này nhé.

    ReplyDelete