Poet | Storie | Tác phẩm dịch | Picture | Chuyện vui

Monday, September 26, 2011

ĐI THĂM LÀNG CỦA NGƯỜI DA ĐỎ - TAOS PUEBLO

Ngay sau khi từ Las Cruces trở về, mình đã định viết về TAOS Pueblo – khu làng của người Da đỏ được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở New Mexico. Lúc ấy cảm xúc còn đang tràn đầy và bộ nhớ (cũ kỹ) của mình chưa bị phủ “bụi thời gian”. Ngặt một nỗi hôm đó, chỉ vì tiếc mấy đồng mua thêm vé cho máy ảnh mà mình không thể “tác nghiệp” (hu hu). Ngu không để đâu cho hết! Ảnh minh họa cho bài này đều là quà của bác Hiệu Minh. Máy ảnh xịn, thợ tay to nên chất lượng hơn hẳn mấy tấm lờ mờ trên Sa mạc Cát trắng của TC hôm trước. Xin cảm ơn bác HM.
Trước cổng làng Taos Pueblo - (Ảnh Hiệu Minh)


Nhà thờ St Jerome – (Ảnh Hiệu Minh)
Nhà thờ St Jerome là địa điểm tham quan đầu tiên của du khách tới làng Pueblo. Khác với các nhà thờ Thiên chúa giáo nói chung, người Da đỏ ở Pueblo lấy hình ảnh Đức Mẹ đồng trinh Maria làm biểu tượng chính. Trong đức tin của họ, Đức Mẹ Maria gần gũi với Mẹ Thiên Nhiên (Mother Nature) mà họ tôn thờ. Có lẽ đây cũng là một trong số rất ít nhà thờ, tượng Đức Mẹ được thay quần áo may bằng sa-tanh theo mùa. Mùa xuân – màu xanh lá cây và hồng; mùa thu – vàng và trắng; mùa hè – xanh nước biển và mùa đông – xanh và trắng.
Nhà thờ St Jerome được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1619. Sau hai lần bị tàn phá (1680 và 1847), bây giờ chỉ còn tháp chuông trên nền đất cũ. Khuôn viên nhà thờ đã được sử dụng làm nghĩa địa cho cư dân của làng. Nhà thờ hiện tại (ảnh trên) được xây dựng vào năm 1850.
Nghe Hướng dẫn viên (áo đen – bìa phải) giới thiệu về Taos Pueblo (Ảnh Hiệu Minh)
Hướng dẫn viên du lịch trong khu bảo tồn Taos Pueblo hầu hết là cư dân của làng. Họ là những sinh viên hiện đang theo học trong các trường đại học của tiểu bang và trên toàn nước Mỹ, tranh thủ nghỉ hè đi làm kiếm thêm thu nhập.

    Trong một cửa hàng đồng thời là xưởng chế tác đồ trang sức của một gia đình         (Ảnh Hiệu Minh)
Phần lớn cư dân sống trong làng đều có nghề chế tác đồ trang sức. Nguyên liệu sử dụng chính là bạc và đá topas màu xanh. Mình đã định “nghiến răng” mua một món về làm kỷ niệm chuyến đi, nhưng lại để quên hàm giả ở nhà. (Hàm thật bị móm từ khi nốt ruồi ở chân liên tục cựa quậy).

South House (Hlaukwima) – Khu nhà phía Nam (Ảnh Hiệu Minh)
Taos Pueblo có hai khu nhà chính là North House (Hlaumma) và South House (Hlaukwima) được nối liền bằng chiếc cầu gỗ bắc qua Suối Lau đỏ (Red Willow Creek). Đây được coi là sự khởi nguồn của trường phái kiến trúc vùng Tây-Nam. Khu nhà phía Bắc có từ 1-5 tầng. Khu nhà phía Nam chỉ có 3-4 tầng. Để ngăn chặn kẻ thù đột nhập từ bên ngoài, người ta dùng thang dựa vào tường để lên nhà. Từng gia đình có một lối ra vào biệt lập. Nhà được truyền từ đời này qua đời khác. Các thế hệ nối tiếp phải thường xuyên bảo trì ngôi nhà bằng cách trát thêm bùn rơm, sửa mái hoặc thay thế các xà gỗ đã hỏng. Tại khu vực trung tâm của làng (Pueblo Plaza) thường thấy các kiến trúc giàn treo bằng gỗ (ảnh trên). Những giàn này dùng để phơi thịt, ngô và các loại hoa quả.
Phần lớn, cửa sổ và cửa chính của người Da đỏ đều sơn màu xanh nước biển hoặc màu đỏ. Theo tín ngưỡng của họ, hai màu này có thể chặn được quỷ dữ.

TC ngồi bên lò nướng bánh (Ảnh Hiệu Minh)
Lò nướng bánh thường được đắp bằng đất. Sau khi củi cháy hết, người ta lấy tro và than ra rồi mới đưa bánh mỳ vào lò và đóng cửa lại. Bánh chín bằng hơi nóng trong lò.
TC và chị Hà trong Taos Pueblo (Ảnh Hiệu Minh)
Suối “Lau đỏ” là nguồn nước duy nhất của cư dân của Pueblo. Con suối này được bắt nguồn từ Hồ Xanh (Blue Lake) linh thiêng trên vùng núi cao thuộc lãnh địa của Taos Pueblo. Vào đầu thế kỷ hai mươi, chính quyền đã sát nhập Hồ Xanh vào khu thắng cảnh quốc gia Carson. Điều luật này cho phép du khách xâm nhập vào vùng đất linh thiêng của Bộ tộc. Trải qua 64 năm đấu tranh không ngừng nghỉ, năm 1970, khu Hồ Xanh đã được trả về cho người Pueblo. Nghe theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, mình và chị Hà đã vục nước lên uống và rửa mặt. Nước trong và mát. Mặc dù chỉ là một khe nước rất nông, du khách được khuyên cáo không được phép lội qua vì tín ngưỡng.
Bên cạnh việc giao tiếp bằng tiếng Anh, người Da đỏ ở Taos Pueblo vẫn sử dụng tiếng Tiwa trong sinh hoạt cộng đồng của mình. Đây là một ngôn ngữ không có chữ viết nhưng được bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng tiếng nói. Trong làng cũng có trường học dành cho trẻ em đến tận lớp tám. Ngoài việc học các kiến thức chung như ở trong các trường công của chính phủ, trẻ em Da đỏ còn được học rất kỹ về cội nguồn văn hóa của mình.

Phía sau hàng rào của Taos Pueblo (Ảnh Hiệu Minh)
Bộ tộc Red Willow ở Taos Pueblo sở hữu trên 100,000 ha. Phần lớn đất đai nằm ở vùng núi cao Sangre Cristo. Ngày nay, câu cá và săn bắn trên núi vẫn là một trong những nét văn hóa đặc trưng của họ.
Thay cho lời kết: Cách đây hai năm, mình đưa con gái đi du lịch Sapa theo tour. Trong chương trình có cả nửa ngày tham quan khu làng của người Hơ-mông. Nhìn những đứa trẻ chân trần, lam lũ bám theo du khách bán hàng thổ cẩm, có cảm giác như chúng ta đang mắc lỗi với sự thất học của trẻ con và đang làm hỏng văn hóa của họ. Xót ruột.

No comments:

Post a Comment