Poet | Storie | Tác phẩm dịch | Picture | Chuyện vui

Monday, September 26, 2011

MỘT NGÀY…

Tuần trước, bác Hiệu Minh rủ mình xuống DC câu cá. Trong chương trình có cả bữa tiệc giao lưu tối thứ sáu theo tinh thần “Trung ương về Tỉnh mổ thịt trâu” (Tỉnh lên, Trung ương hỏi: đi đâu thế mày, hè hè).
Lúc đầu mình định không đi cho đúng số tử vi: “Người tuổi trâu luôn là những bậc cha mẹ tuyệt vời”. Nhưng con gái bảo đã đi chơi cả tháng, thêm một chủ nhật nữa cũng không xấu hơn là bao. Em Tiger nhà bác HM lại í ới: “Chị xuống lấy bánh nướng bánh dẻo. Em sẽ dạy chị cách làm…” Đành tặc lưỡi cái roẹt.
Thứ sáu, mình dự định đi chuyến xe bốn rưỡi. Bác HM bảo, đến muộn thì không bắt ăn, nhưng được rửa bát. Xe chạy 4 tiếng. Nếu không kẹt xe, đến nơi vẫn còn kịp lúc cao trào. Trong đời, thỉnh thoảng có những ngày các Thiên thần hộ mệnh mải uống bia, xoa mạt chược (Vợ chồng Sơn – Thanh đừng nghĩ tớ nói “đểu” nhá), bỏ nhiệm sở. Thế là mọi việc dưới hạ giới cứ rối tung măng miến.

Sau khi mở file đính kèm của một đồng nghiệp gửi qua email, máy tính của mình lăn ra ăn vạ. Dân IT trong cơ quan chọc ngoáy đến tận chiều mới đem trả lại máy cho mình. Làm hết danh mục công việc đề ra trong ngày thì vé xe đi DC online chỉ còn các chuyến sau 6 giờ 30. Đang phân vân, em Tiger lại gọi điện: “Nhất định chị phải đi đấy. Muộn mấy em cũng đón”.
Cuối tuần, khách về DC xếp hàng rồng rắn. Mình gửi chỗ mấy bạn sinh viên người Ấn rồi qua đường mua một miếng Piza. (Tiểu nhân phòng bị gậy). Cô bán vé nhỏ thó người Tàu di chuyển như con thoi. Luôn miệng giải thích cho khách bằng thứ tiếng Anh lơ lớ. Hai “em” da đen với bốn bao tải hàng to vật vã nhất định không chịu mua thêm cước hành lý. Các “em” này thường gặp ở China town, bán các loại túi Luis Vuiton, Channel… hàng nhái. Người mua thường là khách du lịch từ nơi khác đến. Có khi đang lúi húi chọn, thoáng thấy bóng cảnh sát là các “em” túm bốn góc tấm nhựa trải màu đen rồi chạy rất nhanh vào một góc nào đó. Cô bán vé tuy chỉ vừa một xách tay của hai “em” da đen, nhưng kiên quyết không chịu thỏa hiệp. Các loại “f…ck” được văng ra tung tóe. Thấy không “bắt nạt” được cô người Tàu cứng đầu, hai “em” da đen gọi người tới chở bốn kiện hàng đi chỗ khác.
6 giờ 20 phút, xe bắt đầu xếp khách. Mình đứng ngay đầu hàng nên chọn được dãy ghế đầu tiên đối diện với lái xe. Vị trí ấy mà chụp ảnh các giao lộ giao thông trên cao thường rất tuyệt. Đến giờ chuyển bánh, xe vẫn không đi được. Một số hành khách mua được vé nhưng hết chỗ bắt đầu la ó. Hai chị “cao to – đen hôi” xấn xổ đập vào cửa xe đòi lên bằng mọi giá, bất chấp những lời giải thích của nhân viên trật tự. Xe di chuyển gần đến ngã tư, mình nhìn qua cửa sổ còn thấy cô bán vé bị hành khách vây quanh, gào thét. Chỉ còn thiếu nước xé nhỏ cô ấy ra và quăng lên trời.
Cuối tuần mà đường hầm Holland tương đối thông thoáng. Từ NY đến Baltimor chỉ có một đoạn kẹt xe do lái xe tò mò đi chậm lại để nhìn mấy chiếc xe “dính” nhau phía ngược chiều, mũi xe và đuôi xe văng ra mỗi nơi một mảnh. Mình gọi điện cho bác Mẫn: “Em sắp tới rồi. Nhớ phần đồ ăn nhé”. Còn nghe được cả tiếng mọi người cười nói râm ran quanh bàn tiệc qua điện thoại.
Đang say sưa hình dung ra cảnh “tụ tập đông người” ở nhà bác HM, mình bỗng giật mình vì tiếng gằn gằn của động cơ xe. Bảng điều khiển đỏ rực, nhấp nháy. Bác tài giảm tốc độ, đánh xe vào làn đường “khẩn cấp”. Tắt, bật, nổ máy, gọi điện… vẫn không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng đành phải “lê” xe vào trạm nghỉ của xe tải đường dài cách đấy chừng hơn một dặm. Tại phần lớn các trạm dừng chân, quán ăn và cửa hàng mở cửa phục vụ gần như 24/7. Vừa tắt xong động cơ xe, bác tài nhanh nhẹn nhảy xuống phía cuối xe, mở ngăn chứa các loại đồ nghề, dụng cụ. Nhiều hành khách trên xe xúm vào giúp. Người soi đèn, kẻ rót dầu… Thông báo chính thức từ phía “nhà xe”: Ống dẫn dầu làm mát bị tắc. Nhiệt đô tăng đã tự động ngắt động cơ. Công ty đã thông báo cho lái xe chuyến khởi hành từ NY lúc 8 giờ và một lái xe khác đi từ Philadelphia đang ở cách chừng 2 giờ chạy xe ghé vào đón khách đi tiếp. Hành khách tản mát vào các quán. Mấy đôi đi du lịch ba lô gối đầu lên nhau ngủ ngay ngoài hiên của dãy nhà. Gió to và lạnh. Mình gọi điện cho bác Mẫn thì nghe tiếng bác HM từ bên kia đầu dây: “Đến nơi rồi hả? anh ra đón nhé”. “Xe hỏng dọc đường, hu hu. Mọi người đừng đợi em nữa”.
Mình vào quán lôi miếng Piza mua lúc chiều ra nhai trệu trạo. Hai mẹ con chị bạn đồng hành người Philippine ngồi đối diện cười thân thiện: “Ít ra cũng còn có niềm hy vọng”. Tuyệt nhiên không thấy ai chửi thề.
Hai giờ sáng, mình về đến DC. Chị Hà và em Tiger ra đón. Từ nhà anh HM ra bến xe mất chừng 15 phút chạy xe. China town về đêm, những màn hình quảng cáo vẫn sáng trưng. Dưới mái hiên nhà thờ, nhiều người vô gia cư nằm co quắp. Nước Mỹ muôn mặt.
Ăn uống, tắm rửa xong là ba giờ sáng. Điều may mắn lớn nhất là đến muộn nhưng không phải rửa bát (he he). Mình được toàn quyền chiếm lĩnh tầng hầm. Chập chờn trong giấc ngủ còn nghe tiếng: “Ít ra cũng còn có niềm hy vọng”. “Lạy Chúa cho con biết chấp nhận những điều không thể thay đổi”.

1 comment:

  1. Hay lắm! Đúng là cần biết chấp nhận những điều không thể thay đổi.
    Một người Hải Phòng tốt nghiệp Khoa Văn của một Trường Đại học Kỹ thuật...

    ReplyDelete